TIN TỔNG HỢP KHÁC
Vận dụng tư tưởng Hồ Chí Minh về xây dựng nông thôn mới trong công cuộc đổi mới hiện nay
20/01/2022 03:40:36

Vận dụng tư tưởng Hồ Chí Minh về xây dựng nông thôn mới

trong công cuộc đổi mới hiện nay

Sinh thời, Chủ tịch Hồ Chí Minh khẳng định Việt Nam là một nước sống về nông nghiệp. Nền kinh tế của ta lấy canh nông làm gốc. Do đó, Người luôn dành sự quan tâm đến phát triển nông nghiệp, nông thôn, nâng cao đời sống nhân dân và coi đó là vấn đề có ý nghĩa sống còn đối với sự nghiệp xây dựng, bảo vệ Tổ quốc.

Ngay sau cách mạng tháng Tám thành công, trong tình thế “ngàn cân treo sợi tóc”, cùng một lúc phải chống giặc đói, giặc dốt và giặc ngoại xâm, Chủ tịch Hồ Chí Minh chú trọng trước hết đến xây dựng đời sống mới cho nhân dân. Ngày 4-3-1946, Người ra Sắc lệnh 44/SL về “Đời sống mới” và phát động phong trào “Xây dựng đời sống mới”.

Ngày 20-3-1947, Hồ Chí Minh cho xuất bản tác phẩm “Đời sống mới” nhằm huy động tạo nguồn lực về vật chất, tinh thần góp phần cho kháng chiến thắng lợi và xây dựng đời sống ấm no, hạnh phúc cho nhân dân. Mục đích của việc xây dựng đời sống mới là: “Làm thế nào cho đời sống của nhân dân ta, vật chất được đầy đủ hơn, tinh thần được vui mạnh hơn”. “Đời sống mới không phải là cái gì cao xa, khó khăn mà chỉ là sửa lại những việc cần thiết trong đời sống hàng ngày đó là cách ăn, cách ở, cách mặc, cách đi lại, cách làm việc”... Những lời chỉ dạy của Bác trong tác phẩm Đời sống mới là cơ sở lý luận quan trọng cho sự nghiệp xây dựng nông thôn mới ngày nay.

Để xây dựng thành công nông thôn mới, theo Hồ Chí Minh, trước hết mỗi người phải tự xây dựng đời sống mới cho riêng mình, từ đó góp phần xây dựng đời sống mới cho cộng đồng. Người cho rằng, xây dựng đời sống mới là sức mạnh tổng hợp của nhiều người: “Do nhiều người nhóm lại mà thành Làng, do nhiều Làng nhóm lại mà thành Nước. Nếu người này cũng xấu, người kia cũng xấu, thì thành Làng xấu, Nước hèn; nếu mỗi người tốt, thì Làng tốt, Nước mạnh. Người là gốc của Làng, Nước, nếu mỗi người cố gắng làm đúng đời sống mới thì Dân tộc nhất định phú cường”. Tháng 5-1955, nói chuyện với các đại biểu trước khi Hội nghị đổi công toàn quốc bế mạc, Hồ Chí Minh căn dặn, muốn xây dựng nông thôn mới thành công cần phải đánh thông tư tưởng cho cán bộ, đảng viên và quần chúng, làm cho ai cũng hiểu thấu rằng: Hiện nay chỉ có tổ đổi công tốt, sản xuất mới có thể tăng gia, kinh tế nông thôn mới có thể phát triển, đời sống nhân dân mới có thể ấm no, mọi việc khác mới có thể thi hành.

Tại Hội nghị giảm tô và cải cách ruộng đất ngày 31-10-1955, Hồ Chí Minh nhấn mạnh: “Trong khi tiến hành cải cách ruộng đất phải chú trọng vận động quần chúng sản xuất, phải thật sự săn sóc đến đời sống của nông dân…” và phát động phong trào Tết trồng cây Mùa xuân Kỷ Hợi năm 1959 với mong muốn làm cho “phong cảnh nước ta ngày càng tươi đẹp” và là sự chuẩn bị cho công cuộc xây dựng nông thôn mới: “Tết trồng cây là một việc quan trọng chuẩn bị cho công cuộc xây dựng nông thôn mới nay mai”,. “Chúng ta đang chuẩn bị xây dựng nông thôn mới. Việc đầu tiên của nông thôn mới là xây dựng nhà ở cho đàng hoàng. Muốn vậy, thì ngay từ bây giờ phải trồng cây nhiều và tốt để lấy gỗ. Chỉ một việc đó đủ thấy cần phải đẩy mạnh phong trào Tết trồng cây”.

 

Luôn trăn trở về cuộc sống của nhân dân, nên trước lúc đi xa, trong bản Di chúc, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã dành sự quan tâm sâu sắc đến việc nâng cao đời sống nông dân. Người căn dặn: “Trong bao năm kháng chiến chống Pháp, tiếp đến chống đế quốc Mỹ, đồng bào ta, nhất là đồng bào nông dân đã luôn luôn hết sức trung thành với Đảng và Chính phủ ta, ra sức góp của góp người, vui lòng chịu đựng mọi khó khăn gian khổ. Nay ta đã hoàn toàn thắng lợi, tôi có ý đề nghị miễn thuế nông nghiệp một năm cho các hợp tác xã nông nghiệp để cho đồng bào hỉ hả, mát dạ, mát lòng, thêm niềm phấn khởi, đẩy mạnh sản xuất”.

Một trong những nội dung quan trọng trong tư tưởng Hồ Chí Minh về xây dựng nông thôn mới là việc chăm lo rèn luyện phẩm chất đạo đức, nhân cách và đời sống văn hóa mới cho nông dân. Đây là vấn đề nòng cốt trong quá trình xây dựng nông thôn mới. Vì người nông dân (vừa là chủ thể, vừa là đối tượng, vừa là mục tiêu cuối cùng của công cuộc xây dựng nông thôn mới), nên phải siêng năng, cần cù, hăng hái thi đua sản xuất và thực hành tiết kiệm, có tinh thần làm chủ, chủ động, sáng tạo trong lao động, sống có tinh thần, trách nhiệm, có tình, có nghĩa, luôn thương yêu, sẵn sàng “nhường cơm sẻ áo”... Trong nông thôn, người nông dân phải trên thuận, dưới hòa, không thiên tư, thiên ái, không tham lam, ích kỷ, không tư lợi dù là cây kim sợi chỉ của chung. Hồ Chí Minh khẳng định: Khi xây dựng “Đời sống mới không phải cái gì cũ cũng bỏ, cái gì cũng làm mới mà cái gì cũ mà xấu thì bỏ (tính lười biếng, tham lam...); cái gì cũ, không xấu nhưng phiền phức thì phải sửa đổi cho hợp lý (cưới hỏi quá xa xỉ...); cái gì cũ mà tốt thì phải phát triển thêm (tương thân, tương ái, tận trung với nước, hiếu với dân...); cái mới mà hay, thì phải làm (ăn ở hợp vệ sinh, làm việc ngăn nắp)”.

Bên cạnh việc rèn luyện đạo đức cho nông dân, Người chủ trương trong xây dựng đời sống mới ở nông thôn phải coi trọng văn hóa và coi đó là nền tảng tinh thần, là mục tiêu, động lực của sự phát triển xã hội. Do đó, một trong những nhiệm vụ trọng tâm khi xây dựng nông thôn mới về văn hóa là “phải làm cho cả làng đều biết chữ, biết đạo đức và trách nhiệm của công dân”, về phong tục “phải cấm hẳn say sưa, cờ bạc, hút xách, bợm bãi, trộm cắp. Phải tìm cách làm cho không có đánh chửi nhau, kiện cáo nhau. Làm cho làng mình thành một làng “phong thuần tục mỹ”. “Văn hóa phải soi đường cho quốc dân đi”. Do đó, khi xây dựng nông thôn mới cần chú ý nâng cao nhận thức cho người dân về văn hóa để các giá trị của văn hóa thấm sâu vào tâm trí, tư duy của mỗi người dân, từ đó người dân không ngừng nâng cao nhận thức về văn hóa.

Trong quá trình xây dựng nông thôn mới cần phát huy vai trò của tổ chức Đảng và hệ thống chính trị từ Trung ương đến địa phương. Để nhân dân hiểu rõ ý nghĩa của việc xây dựng đời sống mới ở nông thôn, theo Hồ Chí Minh cần coi trọng công tác vận động, tuyên truyền, giải thích và làm gương để phong trào xây dựng nông thôn mới trở thành hành động thiết thực. Làm như vậy, nhân dân càng tín nhiệm Đảng, chính quyền càng nêu cao tinh thần tập thể, tinh thần làm chủ, tinh thần chủ động và càng hăng hái lao động sản xuất.

Quán triệt tư tưởng Hồ Chí Minh về xây dựng nông thôn mới, thực hiện Nghị quyết số 26-NQ/TW ngày 05-8-2008 về “Nông nghiệp, Nông dân và Nông thôn”; Chương trình mục tiêu quốc gia về xây dựng nông thôn mới giai đoạn 2010-2020 của Thủ tướng Chính phủ, trong những năm qua, Đảng bộ, chính quyền huyện Bình Giang đã tập trung lãnh đạo, chỉ đạo phát triển nông nghiệp, nông thôn để nâng cao đời sống nhân dân. Kết quả, sau hơn 10 năm triển khai thực hiện chương trình mục tiêu quốc gia về xây dựng nông thôn mới: Cơ cấu kinh tế trên địa bàn huyện chuyển dịch theo hướng tích cực (tăng công nghiệp, dịch vụ), kết cấu hạ tầng kinh tế - xã hội được tăng cường, bộ mặt nông thôn có nhiều đổi mới, đời sống vật chất, tinh thần của người dân không ngừng được cải thiện, thu nhập bình quân đầu người mỗi năm một tăng, đến năm 2021 đạt 54,7 triệu đồn/người. Đến nay, toàn huyện có 100% xã đạt chuẩn nông thôn mới, trong đó có 03 xã: Bình Xuyên, Bình Minh, Tân Hồng đạt xã nông thôn mới nâng cao, xã Nhân Quyền đang tích cực hoàn thiện tiêu chí xã nông thôn mới kiểu mẫu. Năm 2020, huyện vinh dự được Thủ tướng Chính phủ ký tặng bằng công nhận đạt huyện chuẩn nông thôn mới. Những kết quả đạt được trên đây là tiền đề, là cơ sở để Bình Giang tiếp tục nỗ lực xây dựng nôn thôn mới nâng cao và nông thôn mới kiểu mẫu, đồng thời xây dựng huyện thành đô thị loại IV theo tinh thần Nghị quyết Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ XXVIII.

Ban Tuyên giáo Huyện ủy./.

Kết quả giải quyết TTHC
Đến tháng 04 đã giải quyết:
100.0%
Số hồ sơ xử lý: 13377
Trước & đúng hạn: 13270
Trễ hạn: 6
Trễ hạn: 0%
Chi tiết
( Cập nhật lúc:25/04/2024 12:57:53)

TRANG THÔNG TIN ĐIỆN TỬ HUYỆN BÌNH GIANG

Trưởng Ban Biên tập: Ông Nhữ Văn Chuyên - Phó Chủ tịch UBND huyện Bình Giang

Địa chỉ: Số 55, Phạm Ngũ Lão, thị trấn Kẻ Sặt, huyện Bình Giang, Hải Dương.

Điện thoại: 02203.777540

Email: vpubnd.bg@gmail.com

Số lượt truy cập
Đang truy cập: 14
Hôm nay: 50
Tháng này: 25,314
Tất cả: 314,316