VĂN HÓA-XÃ HỘI
BIA VĂN CHỈ ĐƯỜNG AN
29/03/2023 12:00:00

Xưa kia các làng quê Việt Nam đều có Văn chỉ để thờ các Thánh Nho, Tứ Phối, Thập Triết cùng các vị Tiên Hiền, Tiên Nho và các cụ trong làng có chữ nghĩ, phẩm hàm Văn giai (Quan Văn), do triều đình phong cấp cho (như Thị Lang, Hồng Lô Thái Bảo, Hàn Lâm, Bát Phẩm, Cửu phẩm Văn Giai, Bá Hộ…) có công với làng đã khuất. Việc thờ Khổng Tử, Hiền Triết, Tiên Nho ở Văn chỉ làng, xã đã có từ thời Trần (1225-1400). Tuy nhiên, việc thờ Thánh Hiền ở Kinh đô lại có từ rất sớm. Quốc sử chép; “Năm Canh Tuất (1070) tháng Tám, mùa Thu, Vua lý Thánh Tông sai Lập Văn Miếu, đắp tượng Khổng Tử Chu Công và Tứ phối. Vẽ Tượng Thấp Thập Nhị Hiền (72 Hiền Nho). Bốn mùa cúng lễ. Hoàng Thái Tử đến đấy học” (Đại Việt Sử Ký Toàn thư/ Ngô Sĩ Liên/ Bản dịch, tập I, Trang 234 NXB- KHXH/Hà Nội 1967).

 Phải đến đời Trần, từ Triều Anh Tông( 1293-1214) nước ta đã đánh thắng đuổi xong giặc Nguyên Mông, Triều đình có nhiều Nho gia giúp vua trị nước, bớt chịu ảnh hưởng Phật học và các Tăng sĩ như thời Lý và bố vua đầu nhà Trần. Việc lập Văn chỉ ở các làng xã có học thức Nho giáo phải đến giai đoạn 38 năm lảm vua của Lê Thánh Tông(1460-1497) và các vua kế tiếp (Hiến tông, Túc tông, Uy Mục, Tương Dực) mới thịnh hành. Vì lúc đó nước ta phát triển cực thịnh về giáo dục Nho học và mở nhiều khoa thi nhất; từ phủ, huyện đến thôn xã đều có trường dạy học, tử sĩ đua nhau học, đi thi. Theo Hán Việt Tự Điển của Đào Duy Anh thì “ Văn là người có học vấn, văn vẻ, lời văn”, “ Chỉ là cái nền đất, nơi quê quán”. Văn chỉ là nền Tế Thánh Khổng ở các hương thôn lập nên. Còn của nhà vua lập ra ở Kinh Đô hay hàng tỉnh, trấn gọi là Văn Miếu.

 

Bia văn chỉ huyện Đường An (Đường An là tên gọi cổ xưa của huyện Bình Giang ngày nay) được lập năm Thiệu Trị thứ 4 (1844) hiện được xây dựng và đặt tại cụm di tích Nghè và Chùa làng Hoạch Trạch tức làng (Vạc) thuộc xã Thái Học, huyện Bình Giang.

 

Trước đây bia Văn chỉ được đặt tại đất Văn chỉ thuộc thôn Hoạch Trạch xã Thái Học huyện Đường An, cách vị trí bia hiện nay khoảng 150m về phía tây nam. Di tích này đã bị hư hỏng, bia đá được chuyển về đặt tại vị trí như hiện nay.
 

Bia cao hơn đầu người đặt trên bệ đá, 2 mặt khắc chữ Hán. Một mặt đề: “Đường An văn chỉ bia” nói mục đích dựng bia để tôn sùng đạo Khổng chấn hưng văn hiến và ghi tên những người đã góp công của vào việc xây dựng bia văn chỉ. Một mặt đề: “Lịch dai tiên hiền bi” khắc tên các vị hiền tài của các làng trong huyện từ trước đến khi lập bia 1844. Trước cách mạng tháng 8/1945 chữ viết phổ biến ở nước ra là chữ Hán, theo đạo Khổng Tử, nên ở Kinh đô, tỉnh xây văn miếu, ở huyện xã xây văn chỉ để thờ Đức Khổng Tử và các học trò của ông. Hằng năm cứ đến mùa xuân, mùa thu, những người có học vị ở từng cấp lại tụ họp làm lễ Đức Khổng Tử. Văn tế mời các vị có học vị, có công lao với dân, với nước đã qua đời gọi là các bậc tiên hiền về cùng hưởng.

Tiên hiền bao gồm những người đỗ học vị tiến sĩ và những người không đỗ tiến sĩ nhưng làm quan có nhiều công trạng, được phong chức tước cao hay mở trường dạy học, hay nuôi nấng con cháu nhiều người đỗ Tiến sĩ. Ngày xưa học trò thi hương đỗ cử nhân mới được vào thi hội. Đỗ thi Hội mới vào thi Đình. Thi Đình để phân những người đỗ thi hội làm 3 loại: Đệ nhất giáp tiến sĩ được học vị trạng nguyên, bảng nhãn, thám hoa; Đệ nhị giáp tiến sĩ được học vị hoàng giáp; Đệ tam giáp tiến sĩ được học vị đồng tiến sĩ.

Bia văn chỉ huyện Đường An dựng năm Thiệu Trị thứ 4 (1844), triều Nguyễn. Bài văn bia do cụ Vũ Như Phiên đỗ Tiến sĩ khoa Bính Tuất (1826) soạn. Cụ Vũ Như Phiên làm Bắc Ninh học chính, quê quán tại làng Lương Đường (Lương Ngọc) nay thuộc xã Thúc Kháng huyện Bình Giang, tỉnh Hải Dương.
     Bia có khắc ghi danh 108 vị tiên hiền của huyện (Đường An) xưa Bình Giang ngày nay (100 người đỗ tiến sĩ, 2 người đỗ Tam Giáo, 6 người không có học vị nhưng có nhiều công lao trong giáo dục…), trong số đó có 7 người là người họ Nhữ đỗ đại khoa (tiến sĩ) trong các kỳ thi nho học. Đó là:

1. Tiến sĩ Nhữ Mậu Tổ, đỗ năm 1526, quê thôn Mộ Trạch, xã Tân Hồng, làm quan Thượng thư triều Lê.

2. Tiến sĩ Nhữ Công Tung, đỗ năm 1556, quê thôn Nhữ Thị, xã Thái Hòa, làm quan Thượng thư cả hai triều Mạc, Lê.

3. Tiến sĩ Nhữ Tiến Dụng, đỗ năm 1664, quê thôn Hoạch Trạch, xã Thái Học. Làm quan chức Lễ khoa đô cấp sự trung. Sau được truy phong Thượng thư Bộ Công.

4. Tiến sĩ Nhữ Tiến Hiền (Đình Hiền), đỗ năm 1680, quê thôn Hoạch Trạch, xã Thái Học. Làm quan triều Lê Thượng thư Bộ Hình, Bồi Tụng (Phó Tể tướng), nổi tiếng xử kiện. Ông là Tổ làng nghề lược tre.

5. Bảng nhãn Nhữ Trọng Thai, đỗ năm 1733, quê thôn Hoạch Trạch, xã Thái Học. Làm quan triều Lê chức Hiến Sát sứ.

6. Tiến sĩ Nhữ Đình Toản, đỗ năm 1736, quê thôn Hoạch Trạch, xã Thái Học. Làm quan triều Lê đến chức Thượng thư Bộ Binh, Tả Đô Đốc, Tham Tụng (Tể tướng), Quyền Phủ sự.

7. Hoàng giáp Nhữ Công Tung, đỗ năm 1772, quê thôn Hoạch Trạch, xã Thái Học. Làm quan triều Lê chức Hữu Thị lang Bộ Lễ, Lại Phiên.

Các làng (xã) có người đỗ đạt cao gồm: Mộ Trạch: 36 tiến sĩ, Ngọc Cục: 8 tiến sĩ, Lương Đường 8 tiến sĩ, Hoạch Trạch 7 tiến sĩ v.v… Hoạch Trạch tuy số người đỗ đứng thứ 4 nhưng do các vị đỗ đều làm quan to, nổi tiếng, là các danh thần nên được người xưa đánh giá cao, mức độ nổi tiếng chỉ xếp sau làng Mộ Trạch với câu ca “Hoạch Trạch khí tàng/Anh Hùng xuất thế”.

 

Kết quả giải quyết TTHC
Đến tháng 04 đã giải quyết:
0%
Số hồ sơ xử lý: 0
Trước & đúng hạn: 0
Trễ hạn: 0
Trễ hạn: 0%
Chi tiết
( Cập nhật lúc:25/04/2024 16:49:32)
Chưa kết nối với Dịch Vụ Công Tỉnh

TRANG THÔNG TIN ĐIỆN TỬ HUYỆN BÌNH GIANG

Trưởng Ban Biên tập: Ông Nhữ Văn Chuyên - Phó Chủ tịch UBND huyện Bình Giang

Địa chỉ: Số 55, Phạm Ngũ Lão, thị trấn Kẻ Sặt, huyện Bình Giang, Hải Dương.

Điện thoại: 02203.777540

Email: vpubnd.bg@gmail.com

Số lượt truy cập
Đang truy cập: 10
Hôm nay: 72
Tháng này: 25,336
Tất cả: 314,338