TIN TỔNG HỢP KHÁC
Tình cảm của Bác Hồ đối với thương binh, gia đình liệt sỹ
26/07/2022 02:20:59

Trong lịch sử dựng nước và giữ nước, dân tộc Việt Nam từng là nạn nhân của nhiều cuộc chiến tranh xâm lược và sự đô hộ của ngoại bang. Đặc biệt, trong kháng chiến giải phóng dân tộc và bảo vệ Tổ quốc, dân tộc Việt Nam đã phải gánh chịu những hậu quả nặng nề, những hy sinh, mất mát vô cùng to lớn. Có thể khẳng định, trên dải đất này mỗi gốc cây, ngọn cỏ đều thấm đẫm mồ hôi, xương máu của cha ông.

Chiến tranh đã lùi vào quá khứ, nhưng các liệt sĩ, thương bệnh binh và thân nhân của họ vẫn âm thầm gánh chịu nỗi đau thương, sự mất mát, hy sinh không gì bù đắp nổi. Khó có nhà văn, nhà thơ, nhà báo nào có thể diễn tả hết tình cảm và nỗi đau xé lòng của những người mẹ đã hiến dâng đứa con mang nặng đẻ đau cho Tổ quốc. Sự hy sinh xương máu của các anh hùng liệt sĩ, thương bệnh binh cũng chẳng gì có thể so sánh nổi. Nước mắt của những người mẹ, máu đào của các anh đã đổ xuống cho đất nước mãi trường tồn, non sông mãi xanh tươi. Tên tuổi các anh mãi khắc ghi trong lịch sử dân tộc và tâm khảm mỗi người dân đất Việt. “Ăn quả nhớ người trồng cây”, đạo lý, truyền thống ngàn đời của dân tộc Việt Nam được nuôi dưỡng, vun đắp và trao truyền từ thế hệ này sang thế hệ khác. Tổ quốc đời đời ghi công, nhớ ơn các anh hùng liệt sĩ, thương bệnh binh.

Tiêu biểu hiện thân cho đạo lý, truyền thống “Uống nước nhớ nguồn” của dân tộc Việt Nam chính là Chủ tịch Hồ Chí Minh. Mặc dù công việc cách mạng bộn bề nhưng Chủ tịch Hồ Chí Minh vẫn thường xuyên dành sự quan tâm đặc biệt đến các thương binh, bệnh binh, thân nhân liệt sĩ bằng những việc làm cụ thể, thiết thực, đậm chất nhân văn. Làm gì để đền đáp công lao, sự hy sinh của nhân dân, đặc biệt là của các anh hùng liệt sĩ, thương bệnh binh trong sự nghiệp cách mạng là điều mà Người luôn đau đáu nghĩ suy.

Cách mạng Tháng Tám thành công nhưng thực dân Pháp vẫn mưu toan xâm lược nước ta một lần nữa. Nhân dân ta lại phải tiếp tục cầm súng, đứng lên chiến đấu để bảo vệ thành quả cách mạng, giải phóng dân tộc, thống nhất nước nhà. Trong cuộc chiến đấu ấy, biết bao người con kiên trung của dân tộc đã dũng cảm ngã xuống trên các mặt trận hoặc trở về mang thương tật suốt đời. Đề cập về sự hy sinh to lớn ấy, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã viết: “Máu đào của các liệt sĩ ấy đã làm cho lá cờ cách mạng thêm đỏ chói. Sự hy sinh anh dũng của liệt sĩ đã chuẩn bị cho đất nước ta nở hoa độc lập, kết quả tự do”.

 

Nhằm động viên thân nhân của các chiến sĩ đã anh dũng ngã xuống vì Tổ quốc, Ngày 2-10-1945, Chủ tịch Hồ Chí Minh đến Nhà thờ Lớn (Hà Nội) làm lễ cầu hồn cho các chiến sĩ hy sinh ở miền Nam. Ngày 20-11-1945, trong phiên họp Hội đồng Chính phủ, Chủ tịch Hồ Chí Minh đề nghị ra Sắc lệnh truy tặng 5 liệt sĩ đã hy sinh cho Tổ quốc tại quận Cái Răng, Cần Thơ vào ngày 12-11-1945. Trong bức thư đăng trên Báo Cứu quốc ngày 7-01-1946, Người viết: “Vì muốn thay mặt Tổ quốc, toàn thể đồng bào và Chính phủ cảm ơn những liệt sĩ đã hy sinh tính mệnh cho nền tự do, độc lập, thống nhất của nước nhà, hoặc trong thời kỳ cách mạng, hoặc trong thời kỳ kháng chiến, tôi gửi lời chào thân ái đến các gia đình liệt sĩ và tôi nhận các con liệt sĩ làm con nuôi của tôi”.

Để bày tỏ sự tri ân, lòng biết ơn sâu sắc của toàn Đảng, toàn dân đối với những người đã không tiếc máu xương vì Tổ quốc, ngày 17-7-1947, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã đề nghị đồng bào cả nước hãy nhịn ăn một bữa “để giúp đỡ chiến sĩ bị thương”. Không chỉ gương mẫu đi đầu làm trước mà Người còn vận động cả cơ quan Phủ Chủ tịch cùng hưởng ứng. Chủ tịch Hồ Chí Minh đã đề nghị lấy ngày 27-7 hằng năm làm “Ngày Thương binh toàn quốc”, sau đổi thành “Ngày Thương binh - Liệt sĩ”. Khẳng định ý nghĩa cao cả của ngày 27-7, Người nói: Bởi vì đó là “một dịp cho đồng bào ta tỏ lòng hiếu nghĩa bác ái, là tỏ ý yêu mến thương binh”. Người kêu gọi đồng bào cả nước hãy thể hiện tình cảm thương yêu, trách nhiệm và bổn phận của mình đối với các thương bệnh binh, thân nhân liệt sĩ bằng những việc làm thiết thực nhất. Người nói: “Trong lúc chống nạn đói kém, đồng bào ta đã từng mỗi tuần nhịn ăn một bữa để giúp các đồng bào bị đói. Bây giờ chống nạn ngoại xâm, tôi chắc đồng bào ta sẽ vui lòng vài ba tháng nhịn ăn một bữa để giúp đỡ chiến sĩ bị thương. Tôi xin xung phong gửi một chiếc áo lót lụa của chị em phụ nữ đã biếu tôi, một tháng lương của tôi, một bữa ăn của tôi, và của các nhân viên tại Phủ Chủ tịch, cộng là một nghìn một trăm hai mươi bảy đồng”.

Nhằm vận động, khích lệ đồng bào cả nước, trước nhiều việc làm tốt, cách làm hay trong chăm sóc thương binh - gia đình liệt sĩ, Người đã gửi thư hoặc đến trực tiếp gặp gỡ động viên, khen ngợi. Trong bức thư biểu dương bà Bá Huy - người lập một an dưỡng đường dành cho thương binh, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã viết: “Tôi mong bà cùng toàn thể đồng bào vùng đó sẽ luôn luôn chăm nom giúp đỡ các thương binh”. Người đã nhiều lần nhắc nhở cấp ủy, chính quyền và nhân dân các địa phương phải xác định công tác thương binh, liệt sĩ là việc làm thường xuyên và lâu dài chứ không phải chỉ trong một thời gian. Người cũng chỉ rõ đó là công việc mà Nhà nước và nhân dân cùng lo, cùng làm bằng tình cảm, trách nhiệm thực sự, được thể hiện bằng những việc làm cụ thể, thiết thực cả về vật chất và tinh thần. Người nhắc nhở khi giúp đỡ thương binh, gia đình liệt sĩ thì “nên coi đó là nghĩa vụ của nhân dân. Không nên coi đó là việc làm phúc”.

Hằng năm, cứ đến Ngày Thương binh - Liệt sĩ (27-7), Chủ tịch Hồ Chí Minh đều gửi thư và tặng quà thăm hỏi, động viên các thương binh, gia đình liệt sĩ. Đồng thời Người không quên nhắc nhở cấp ủy, chính quyền, các ban, ngành, đoàn thể tập trung làm tốt công tác thương binh - liệt sĩ, tổ chức Ngày Thương binh - Liệt sĩ thật chu đáo. Còn đối với các thương binh, Người ân cần căn dặn: “Hòa mình với nhân dân, tránh phiền nhiễu nhân dân, không công thần, không coi thường lao động, không coi thường kỷ luật, không bi quan chán nản” và cố gắng thực hiện “thương binh tàn nhưng không phế”.

Có thể khẳng định, trong suốt sự nghiệp cách mạng của mình dù bận trăm công nghìn việc nhưng Chủ tịch Hồ Chí Minh vẫn luôn canh cánh trong lòng việc giữ gìn, phát huy đạo lý, truyền thống “Uống nước nhớ nguồn” của dân tộc và việc đền ơn đáp nghĩa với các thương bệnh binh, gia đình liệt sĩ. Trong Bản Di chúc lịch sử để lại cho toàn Đảng, toàn quân, toàn dân ta trước lúc đi xa, Người vẫn không quên căn dặn: “Ngay sau khi cuộc chống Mỹ, cứu nước của nhân dân ta đã hoàn toàn thắng lợi, công việc đầu tiên đối với con người là chăm lo cho thương binh và những người có công trong sự nghiệp giải phóng dân tộc, thống nhất đất nước. Đối với những người đã dũng cảm hy sinh một phần xương máu của mình, Đảng, Chính phủ và đồng bào phải tìm mọi cách làm cho họ có nơi ăn, chốn ở yên ổn, đồng thời phải mở những lớp dạy nghề thích hợp với mỗi người để họ có thể dần dần “tự lực cánh sinh”. Đối với các liệt sĩ ở mỗi địa phương, cần xây dựng vườn hoa và bia kỷ niệm ghi sự hy sinh anh dũng của các liệt sĩ, để đời đời giáo dục tinh thần yêu nước cho nhân dân ta. Đối với cha mẹ, vợ con (của thương binh, liệt sĩ) mà thiếu sức lao động và túng thiếu, thì chính quyền địa phương phải giúp đỡ cho họ có công ăn việc làm thích hợp, quyết không để họ bị đói rét”.

Ghi nhớ và thực hiện lời căn dặn của Người, trong suốt những năm qua Đảng, Nhà nước và nhân dân ta đã nỗ lực, cố gắng thường xuyên thực hiện tốt công tác thương binh - liệt sĩ. Đặc biệt, vào ngày 27-7 hằng năm, trong lòng mỗi người Việt Nam yêu nước lại hướng về các thương binh - gia đình liệt sĩ bằng nhiều việc làm cụ thể, thiết thực, với tất cả tình cảm và lòng biết ơn sâu sắc.

Ban Tuyên giáo Huyện ủy tổng hợp./. 
Kết quả giải quyết TTHC
Đến tháng 04 đã giải quyết:
100.0%
Số hồ sơ xử lý: 12639
Trước & đúng hạn: 12552
Trễ hạn: 4
Trễ hạn: 0%
Chi tiết
( Cập nhật lúc:24/04/2024 09:41:29)

TRANG THÔNG TIN ĐIỆN TỬ HUYỆN BÌNH GIANG

Trưởng Ban Biên tập: Ông Nhữ Văn Chuyên - Phó Chủ tịch UBND huyện Bình Giang

Địa chỉ: Số 55, Phạm Ngũ Lão, thị trấn Kẻ Sặt, huyện Bình Giang, Hải Dương.

Điện thoại: 02203.777540

Email: vpubnd.bg@gmail.com

Số lượt truy cập
Đang truy cập: 4
Hôm nay: 48
Tháng này: 25,180
Tất cả: 314,182