VĂN HÓA-XÃ HỘI
XÃ THÚC KHÁNG HUYỆN BÌNH GIANG ĐẨY NHANH TIẾN ĐỘ TÔN TẠO, TU BỔ MIẾU CHÂU KHÊ
03/12/2022 08:01:21

Thời gian qua, sau khi có văn bản chấp thuận của Sở Văn hóa, Thể thao & Du lịch Tỉnh Hải Dương, được sự nhất trí của UBND huyện, xã Thúc Kháng huyện Bình Giang đã tiến hành khởi công tôn tạo, tu bổ lại Miếu Châu Khê với sự quan tâm hỗ trợ kinh phí của tập đoàn Vingroup cùng đông đảo nhân dân địa phương đang sinh sống tại hương và tại phố .

 Ông Bùi Quang Sơn, Chủ tịch UBND xã Thúc Kháng cho biết; Miếu Châu Khê thuộc thôn Châu Khê xã Thúc Kháng là một trong 3 công trình nằm trong cụm di tích lịch sử Văn hóa của địa phương đã được Bộ Văn hóa, Thể thao & Du lịch xếp hạng. Theo thần phả, thời Trần làng Châu Khê có tên trang Chu Xá, huyện Đường An phủ Thượng Hồng. Thời Nguyễn, Châu Khê thuộc tổng Thị Tranh, huyện Bình Giang, tỉnh Hải Dương. Làng Châu Khê có địa thế “huyệt chân long nổi lên uốn khúc hình con rắn. Thế đất như 2 con mắt rồng cùng mở… dân ở tựa vào thân rồng. Phía Nam ngựa hướng chiếu vào, phía Bắc phượng hoàng múa cánh, địa thế xung quanh bằng phẳng”. Miếu Châu Khê: được xây dựng vào khoảng năm Canh Dần (1290) để thờ Phạm Sỹ người có công với dân với nước vói các hạng mục Lăng mộ và Miếu thờ Phạm Sỹ.

 

Tướng quân Phạm Sỹ hiệu Huyền Du một danh tướng thời Trần thế kỷ 13 có công 2 lần cùng tham tán Phạm Ngũ Lão và Hưng Đạo Vương Trần Quốc Tuấn đánh thắng giặc Nguyên Mông (1255-1288) được vua phong Dực Hổ Hầu Hải dương đạo tiết chế bình nguyên đại tướng quân và được dân làng suy tôn là thành hoàng làng, "Ngài là nhân thần, họ Phạm, tên Sỹ. Cha là Phạm Tuyên, quê ở động Lôi Nham, Thanh Hoá vốn con nhà thi thư lễ nghĩa, có vợ là bà Trương Thị Đoan, sinh 1 con gái. Vợ mất khi con gái 4 tuổi. Sau ba, bốn năm, ông Tuyên lấy bà kế thất, tên là Nguyễn Thị Phương, quê ở Hậu Trạch, huyện Gia Phúc, phủ Hạ Hồng, đạo Hải Dương. Năm 41 tuổi, ông Tuyên đỗ tam trường (đỗ Tú tài), năm 43 tuổi nhận chức Giáo thụ Kinh Môn, 3 năm sau thăng chức Huyện lệnh huyện Phù Vân đạo Sơn Nam. Lúc ông Tuyên ngoài 50 tuổi, bà Phương ngoài 40 tuổi vẫn chưa sinh được con. Ông Tuyên dâng sớ xin về chí sỹ làm nghề dạy học, làm thuốc giúp dân ở quê Thanh Hoá và Hậu Trạch Hải Dương. Ông bà đến lễ cầu tự ở chùa Quang Minh ở Hậu Trạch. Sau 100 ngày bà có thai, mang thai 13 tháng, sinh hạ 1 nam nhi vào giờ Tý ngày mồng 1 tháng Giêng. Bảy ngày mới mở mắt, mắt sáng như sao trời lóng lánh, tiếng nói như sấm vang. Được 1 năm biết nói, 5 tuổi biết âm luật thơ, 14 tuổi, bách gia chư tử không gì là không biết.

 Năm 16 tuổi cha mẹ đều mất, lo tang cha mẹ chu đáo. Lúc này gia cảnh nghèo “ruộng đất sạch không, bốn vách gió lùa” nhưng ông chỉ sớm hôm đèn sách. Nghĩ về gia cảnh, ông quyết chí tìm nơi luyện tập. Đến trang Chu Xá, huyện Đường An, phủ Thượng Hồng, thấy nơi đây là đất chân long tú khí, được nhà chùa và nhân dân tiếp đón chân tình, làm trường, mời làm thầy dạy chữ cho bọn trẻ. Phạm Ngũ Lão quê ở làng Phù Ủng, làm quan triều Trần đến chức Thái bảo về quê họp sỹ tử để tập văn chương.

Phạm Sỹ sang nộp quyển văn, Phạm Ngũ Lão xem văn thấy văn quảng bác, uyên thâm, kỳ dị vô định. Từ đó Phạm Ngũ Lão coi ông Sỹ như anh em thủ túc chí thân, sớm hôm không rời nhau. Ông được tiến cử gặp Hưng Đạo Vương, gặp Vua Trần Thái Tông. Qua thử tài văn chương võ nghệ, ông hơn hẳn Yết Kiêu, Dã Tượng, Trần Ích Tắc. Ông được Vua phong chức Tham nghị, sau thăng chức Tham tri Bộ Lễ, chức Đô đài ngự sử. Ông được Vua giao nhiệm vụ tuần thú các đạo phủ huyện, giúp người già nuôi người khó khăn. Việc làm của ông, nhân dân đều chịu ơn đức độ.

 
 
Với quê Thanh Hoá, ông sửa sang nhà thờ, viếng thăm mồ mả, biếu chị gái và họ hàng vàng bạc làm vốn. Ông về Chu Xá, mở yến tiệc mời các cụ phụ lão đến dự. Ông sửa sang trường sở làm hành cung, biếu vàng gia thần, dân làng làm vốn. Năm Vua Nhân Tông lên ngôi, ông được phong chức Thái bảo tướng quân, tước Dực hổ hầu, thống lĩnh đạo Hải Dương, Trần Khánh Dư làm phó tướng, Trương Văn Hổ làm Thống lĩnh hậu quân. Mặt trận do ông chỉ huy có công lớn giúp Vua Trần, giúp Hưng Đạo Đại Vương thắng trận Đông Bộ Đầu, bắt sống Ô Mã Nhi, chém Nguyễn Bá Linh. Thắng trận, ông được Vua giao về Hải Dương chiêu dụ dân phiêu tán, chẩn cấp tiền gạo để dân an cư lạc nghiệp. Ông về trang Chu Xá phát chẩn 5000 quan tiền, 5000 phương thóc, cho dân. Mở hội yến 3 ngày, cấp 10 hốt vàng làm cung quán. Thụ yến xong, lúc ấy là ngày 1 tháng Chạp, ông hoá. Nơi hoá mối xông thành mộ. Ông được triều đình về làm tang lễ, cấp 3000 quan tiền xây lăng mộ, dựng nơi thờ cúng. Nơi ấy nay là khu lăng mộ - Miếu Châu Khê. Đời Lê, ông phù hộ Vua Lê dẹp tan quân tướng nhà Mạc, rước Vua về Kinh, lập nên nhà Lê Trung Hưng. Ông được các triều Vua ban tặng nhiều mỹ tự. Từ năm 1710 đến năm 1924, ông được ban tặng 14 sắc phong. Làng Châu Khê suy tôn ông là Thành hoàng làng.

 
Miếu Châu Khê gồm các hạng mục, Nghi môn và cổng phụ, Lăng mộ, Giếng mắt rồng, Nhà bia. Miếu Châu Khê chủ yếu là hệ thống sân vườn, cây xanh. Đặc điểm rõ nhất là khu vực sân miếu hiện đang thấp hơn mặt đường bê tông mới xây dựng của đê là khoảng 1m, dẫn đến các thành phần phụ trợ cũ của miếu bị chìm vào bê tông như bức bình phong sát mặt đường, tường rào của miếu bị ngập vào đường bê tông chỉ nhô lên khỏi mặt đường khoảng 0,5m. Miếu Châu Khê mặc dù được tu bổ một số lần nhưng tình trạng di tích bị xuống cấp, nhiều cấu kiện bị hư hỏng, mối mọt. Nhiều mảng tường bị nứt, bong tróc. Với những giá trị trên khẳng định vị trí của di tích Miếu Châu Khê trong kho tàng di sản văn hóa nước nhà.

Di tích không chỉ là những chứng tích vật chất phản ánh quá trình kháng chiến chống giặc ngoại xâm. Sự tồn tại của di tích còn có tác dụng to lớn trong việc bảo tồn những giá trị văn hóa truyền thống của dân tộc, là một kiến trúc tôn giáo của cộng đồng, di tích còn là nơi bảo tồn làm phong phú thêm cuộc sống văn hóa tinh thần của nhân dân. Trao đổi với chúng tôi, Ông Bùi Quang Sơn, Chủ tịch UBND xã Thúc Kháng khẳng định; Với giá trị lịch sử như vậy, Miếu Châu Khê được tu bổ sẽ mang lại lợi ích kinh tế xã hội thông qua hoạt động lễ, viếng, giáo dục cho mọi tầng lớp nhân dân những giá trị văn hoá lịch sử góp phần nâng cao dân trí, truyền thống văn hoá.

 

Tổng kinh phí tôn tạo, tu bổ lại Miếu Châu Khê là gần Mười hai tỷ đồng, được tập đoàn Vingroup hỗ trợ cùng nhân dân địa phương tại hương, tại phố đóng góp. Sau một thời gian tiến hành triển khai, đến nay việc tôn tạo, tu bổ Mấu Châu Khê đã đạt được 80 khối lượng công việc. Hiện xã Thúc Kháng đang kết hợp với đơn vị thi công đẩy nhanh tiến độ, phấn đấu hoàn thành và đưa vào sửi dụng trước tết nguyên đán Quý Mão../.

 

 

 

 

Kết quả giải quyết TTHC
Đến tháng 03 đã giải quyết:
0%
Số hồ sơ xử lý: 0
Trước & đúng hạn: 0
Trễ hạn: 0
Trễ hạn: 0%
Chi tiết
( Cập nhật lúc:29/03/2024 18:51:18)
Chưa kết nối với Dịch Vụ Công Tỉnh

TRANG THÔNG TIN ĐIỆN TỬ HUYỆN BÌNH GIANG

Trưởng Ban Biên tập: Ông Nhữ Văn Chuyên - Phó Chủ tịch UBND huyện Bình Giang

Địa chỉ: Số 55, Phạm Ngũ Lão, thị trấn Kẻ Sặt, huyện Bình Giang, Hải Dương.

Điện thoại: 02203.777540

Email: vpubnd.bg@gmail.com

Đang truy cập: 14
Hôm nay: 166
Tháng này: 19,078
Tất cả: 311,624