THỰC HIỆN PHÁP LUẬT, CHẾ ĐỘ CHÍNH SÁCH
Chính sách, pháp luật về bảo hiểm xã hội về khía cạnh bảo đảm và thúc đẩy bình đẳng giới.
05/12/2023 08:37:50

Hệ thống chính sách, pháp luật về Bảo hiểm xã hội (BHXH) của Việt Nam ngày càng cải thiện về khía cạnh bảo đảm và thúc đẩy bình đẳng giới. Luật BHXH sửa đổi (Luật BHXH năm 2014) có một số quy định mới khá tiến bộ về đảm bảo nguyên tắc bình đẳng giới, như:

- Quy định về mở rộng đối tượng tham gia BHXH tạo điều kiện cho nhiều nhóm lao động nữ yếu thế trong thị trường lao động có cơ hội được tham gia BHXH. Luật BHXH quy định về đối tượng tham gia BHXH bắt buộc đã mở rộng hơn so với Luật BHXH năm 2006, như “Người làm việc theo hợp đồng lao động theo mùa vụ hoặc theo một công việc nhất định có thời hạn từ đủ 03 tháng đến dưới 12 tháng” và “Người làm việc theo hợp đồng lao động có thời hạn từ đủ 01 tháng đến dưới 03 tháng”. Đối với công dân Việt Nam từ đủ 15 tuổi trở lên và không thuộc đối tượng tham gia BHXH bắt buộc thì có thể tham gia BHXH tự nguyện. Bộ luật Lao động năm 2019 quy định người sử dụng lao động phải “trả cho người giúp việc gia đình khoản tiền BHXH, BHYT theo quy định của pháp luật để người lao động chủ động tham gia BHXH, BHYT”. Việc mở rộng đối tượng tham gia BHXH đã tạo điều kiện cho người lao động chủ động, linh hoạt hơn trong lựa chọn nơi làm việc; dễ dàng hơn trong di chuyển, chuyển đổi việc làm giữa các khu vực, thành phần kinh tế. Điều này mang lại nhiều lợi ích cho người lao động nam và nữ đang nuôi con nhỏ, lao động nữ trong thời gian mang thai, sinh con, tạo điều kiện thuận lợi để họ duy trì việc làm và duy trì tham gia BHXH phù hợp với nhu cầu và điều kiện thực tế của bản thân và gia đình.

- Chính sách khuyến khích, hỗ trợ người lao động tham gia BHXH tự nguyện nhằm thúc đẩy đối tượng tham gia.Với BHXH tự nguyện, cơ chế tham gia chỉ có duy nhất bản thân người lao động đóng BHXH. Nhà nước đã có một số cơ chế khuyến khích để thu hút người lao động tham gia BHXH tự nguyện: lựa chọn phương thức đóng phù hợp với nhu cầu và điều kiện cá nhân được Nhà nước hỗ trợ tiền đóng theo tỷ lệ phần trăm trên mức đóng hằng tháng theo mức chuẩn hộ nghèo khu vực nông thôn. Thời gian hỗ trợ tùy thuộc vào thời gian tham gia BHXH tự nguyện thực tế của mỗi người, nhưng không quá 10 năm (120 tháng); khuyến khích các cơ quan, tổ chức và cá nhân hỗ trợ tiền đóng BHXH cho người tham gia BHXH tự nguyện.

- Giảm dần khoảng cách tuổi nghỉ hưu giữa lao động nam và lao động nữ. Bộ luật Lao động năm 2019 quy định điều chỉnh tăng tuổi nghỉ hưu và thu hẹp khoảng cách tuổi nghỉ hưu của nam và nữ. Tuổi nghỉ hưu của nữ sẽ tăng thêm 5 năm trong khoảng thời gian 15 năm (mỗi năm tăng thêm 4 tháng tính từ 2021 đến 2035), với nam tăng thêm 2 năm trong khoảng thời gian 8 năm (mỗi năm tăng thêm 3 tháng tính từ 2021 đến 2028).

- Chế độ thai sản của Việt Nam là một trong số những hệ thống có lợi nhất cho lao động nữ so với các nước trong khu vực về thời gian nghỉ và tỷ lệ hưởng. Chế độ thai sản tuân thủ Công ước số 102 của ILO về các tiêu chuẩn tối thiểu, trong đó quy định trợ cấp tiền mặt định kỳ trong 12 tuần với mức trợ cấp bằng 45% mức tiền lương tham chiếu; tuân thủ Công ước số 183 (2000) về Bảo vệ bà mẹ quy định 14 tuần nghỉ thai sản với mức trợ cấp bằng 2/3 thu nhập trước khi nghỉ thai sản và tuân thủ Khuyến nghị số 191 về Bảo vệ bà mẹ quy định 18 tuần nghỉ thai sản nhận trợ cấp bằng 100% mức thu nhập trước khi nghỉ thai sản. (ILO, 2021). Luật BHXH năm 2014 quy định thời gian lao động nữ sinh con được nghỉ việc hưởng chế độ thai sản trước và sau khi sinh con là 6 tháng. Quy định về mức hưởng chế độ dưỡng sức, phục hồi sức khỏe sau thai sản một ngày bằng 30% mức lương cơ sở. Các quy định này mang lại lợi ích cho lao động nữ khi sinh con có thêm thời gian phục hồi sức khỏe, đồng thời tạo điều kiện cho việc nuôi con bằng sữa mẹ trong thời gian dài hơn. Bên cạnh đó, Luật BHXH năm 2014 quy định lao động nữ có thể đi làm trước khi hết thời hạn nghỉ sinh con khi đáp ứng đủ các điều kiện quy định; họ sẽ được đồng thời hưởng tiền lương của những ngày làm việc và chế độ thai sản cho đến hết thời hạn theo quy định (6 tháng).

Sửa đổi, bổ sung chính sách BHXH cần quan tâm tới nhu cầu và khả năng tham gia của các nhóm nữ, gồm:

Chế độ hưu trí của BHXH tự nguyện với điều kiện 20 năm đóng BHXH để được hưởng chế độ hưu trí hàng tháng là khá cứng nhắc, không phù hợp với khả năng sáng tạo và duy trì việc làm của nền kinh tế cho người lao động. Cần có sự điều chỉnh theo hướng linh hoạt hơn để người tham gia có thể chủ động đóng góp cho hệ thống BHXH để được hưởng hưu trí trong tương lai khi về già.

Để tăng sức hấp dẫn của chính sách cũng như đáp ứng nhu cầu của người tham gia là những đối tượng không có quan hệ lao động cần thiết phải xem xét quy định thêm một số chế độ ngắn hạn, đặc biệt chế độ thai sản trong BHXH tự nguyện để đáp ứng nhu cầu khi có rủi ro xảy ra thì được bảo hiểm chi trả, hỗ trợ kịp thời đối với phụ nữ đang tham gia BHXH tự nguyện, góp phần bảo đảm mọi phụ nữ được bình đẳng trong tham gia và thụ hưởng chế độ thai sản.

Nguồn tin: Viện kiểm sát nhân dân huyện Bình Giang.

Kết quả giải quyết TTHC
Đến tháng 05 đã giải quyết:
100.0%
Số hồ sơ xử lý: 13990
Trước & đúng hạn: 13935
Trễ hạn: 7
Trễ hạn: 0%
Chi tiết
( Cập nhật lúc:02/05/2024 18:50:59)

TRANG THÔNG TIN ĐIỆN TỬ HUYỆN BÌNH GIANG

Trưởng Ban Biên tập: Ông Nhữ Văn Chuyên - Phó Chủ tịch UBND huyện Bình Giang

Địa chỉ: Số 55, Phạm Ngũ Lão, thị trấn Kẻ Sặt, huyện Bình Giang, Hải Dương.

Điện thoại: 02203.777540

Email: vpubnd.bg@gmail.com

Số lượt truy cập
Đang truy cập: 19
Hôm nay: 100
Tháng này: 15,502
Tất cả: 314,920